Quốc gia Nam Mỹ này nhấn mạnh rằng việc bổ sung đại diện của các nước “Nam toàn cầu” là cần thiết để Hội đồng Bảo an phản ánh đúng lợi ích và tầm quan trọng của các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình này vẫn gặp phải nhiều thách thức về mặt chính trị và địa chính trị, khi danh sách các thành viên thường trực hiện tại vẫn khó thay đổi.
Toàn cảnh một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ảnh: IRNA/TTXVN
Brazil đang tích cực nỗ lực để giành được một vị trí thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), một trong những cơ quan quan trọng nhất của tổ chức này, tờ Izvestia (Nga) ngày 7/10 đưa tin.
Theo Đại sứ Brazil tại Nga, Rodrigo de Lima Baena Soares, đây là thời điểm thích hợp để quốc gia Nam Mỹ này đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc định hình các quyết sách toàn cầu, đặc biệt là với sự ủng hộ của Nga. Ông Soares nhấn mạnh rằng đã đến lúc các quốc gia Nam toàn cầu, trong đó có Brazil, cần được đại diện tốt hơn tại HĐBA để phản ánh đúng tầm quan trọng và vai trò của họ trong các vấn đề quốc tế.
Nga đã công khai ủng hộ Brazil, khẳng định rằng các quốc gia Nam toàn cầu nên có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong cơ quan quan trọng này. Theo Moskva, sự đại diện của Brazil, Ấn Độ và các quốc gia châu Phi tại HĐBA sẽ giúp tăng cường tính toàn diện và công bằng của tổ chức.
Mặc dù Nga từng ủng hộ việc Đức và Nhật Bản gia nhập HĐBAn, nhưng hiện tại ưu tiên của Nga đang nghiêng về việc mở rộng sự đại diện của các nước thuộc Nam toàn cầu, những quốc gia có lợi ích khác biệt với các cường quốc phương Tây như Mỹ.
Brazil từ lâu đã là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Nam Mỹ và Nam Đại Tây Dương, đồng thời có vai trò lãnh đạo trong số các quốc gia Nam toàn cầu. Với tầm quan trọng về mặt chính trị, kinh tế và quân sự của mình, Brazil đang ngày càng khẳng định vai trò trên trường quốc tế.
Đại sứ Soares nhấn mạnh rằng HĐBA cần phải đại diện tốt hơn cho các khu vực khác nhau trên thế giới và cần thay đổi phương pháp làm việc để trở nên minh bạch hơn và phản ánh tốt hơn lợi ích của toàn thể các quốc gia thành viên LHQ.
Nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia cũng đồng tình với lập luận này. Theo Vinicius Rodrigues Vieira, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Cao cấp thuộc Đại học Sao Paulo, việc các nhà nước khu vực như Brazil được đưa vào HĐBA là bước quan trọng trong tiến trình cải cách.
Chuyên gia Vieira lập luận rằng sự tham gia của Brazil không chỉ củng cố vai trò của Nam Mỹ mà còn giúp tăng cường tiếng nói của các quốc gia Nam toàn cầu trong các quyết định quan trọng về hòa bình và an ninh quốc tế.
Tuy nhiên, dù có sự ủng hộ từ Nga và một số quốc gia khác, quá trình để Brazil trở thành thành viên thường trực của HĐBA không phải là điều dễ dàng. HĐBA hiện tại có 5 thành viên thường trực, bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, và Anh – các quốc gia này đều có quyền phủ quyết. Để mở rộng số lượng thành viên thường trực, cần có sự đồng thuận từ tất cả các thành viên hiện tại, điều này tạo ra một rào cản lớn.
Một số chuyên gia cũng bày tỏ sự hoài nghi về khả năng danh sách các thành viên thường trực sẽ sớm được mở rộng. Những thay đổi trong cơ cấu của HĐBA, đặc biệt là việc bổ sung các thành viên mới, luôn là một vấn đề nhạy cảm và đòi hỏi các cuộc đàm phán lâu dài. Nhiều quốc gia, bao gồm cả các thành viên hiện tại, có thể lo ngại về sự suy giảm quyền lực của mình trong trường hợp có thêm các nước khác tham gia.
Ngoài ra, còn có các vấn đề liên quan đến địa chính trị. Một số quốc gia như Đức và Nhật Bản cũng đã đưa ra yêu cầu tương tự để gia nhập HĐBA với tư cách là thành viên thường trực. Tuy nhiên, Nga hiện tại không ưu tiên ủng hộ hai quốc gia này, bởi Moskva cáo buộc họ thường đại diện cho các lập trường gắn liền với Mỹ. Thay vào đó, Nga tập trung vào việc thúc đẩy các ứng cử viên từ Nam toàn cầu như Brazil và Ấn Độ, những quốc gia mà Moskva tin rằng có thể đóng góp vào sự đa dạng và cân bằng quyền lực toàn cầu./.
Theo Công Thuận/Báo Tin tức (Theo TASS)