clock
Đang Tải...

Sự Kiện Trong Tuần

Cấp bách giải bài toán an cư cho người dân ven đê biển Tây Cà Mau

play video07/05/2022 09:28

        Những năm gần đây, biến đổi khí hậu không chỉ diễn biến nhanh, phức tạp mà những quy luật tự nhiên cũng dần thay đổi khó nắm bắt. Bên cạnh tình trạng sạt lở, thủy triều dâng cao bất ngờ với tần suất ngày càng nhiều đang trực tiếp đe dọa đến đời sống của người dân sống ven tuyến đê biển Tây.

Chú thích ảnh

Sạt lở đang đe dọa trực tiếp đến đời sống người dân tại ven tuyến đê biển Tây. 

Ám ảnh cảnh triều dâng

       Có 0,4 ha đất nuôi thủy sản, nhưng ông Huỳnh Thanh Thủy (ngụ khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) phải liên tục làm thuê, làm mướn đủ nghề nhưng vẫn không nuôi nổi 4 miệng ăn. Bởi từ đầu năm đến nay, gia đình ông dù đã thả nuôi hơn chục ngàn con tôm, cua giống… nhưng đã gần như mất sạch vì nước biển dâng.

       Ông Huỳnh Thanh Thủy kể, nước biển bất ngờ dâng cao, vượt qua rừng phòng hộ, tràn qua đê. Trong chốc lát, chung quanh nhà ông đã thành biển nước. Nước lên nhanh mà không có dấu hiệu báo trước nào, ông cũng chỉ kịp tắt điện, mang vật dụng trong nhà để lên sàn cao. Khi nước rút, tôm cá trong vuông cũng theo đó mà ra sông, ra biển. Ông Thủy ngậm ngùi: Thường thì mỗi năm sẽ có một trận triều cường dâng cao gây thiệt hại tài sản, nhưng trong 3 năm gần đây, ít nhất 5 lần gia đình ông gặp phải tình cảnh trên.

       Cách đó không xa, căn nhà lá của gia đình ông Trương Văn Trại nằm nép mình sau dãy rừng phòng hộ. Những năm trước, dù không có vuông tôm nhưng ông Trương Văn Trại vẫn tận dụng được bờ đất trống quanh đê để làm rẫy, trồng màu kết hợp chăn nuôi gia cầm… nhờ đó, gia đình cũng tạm đủ ăn. Nhưng vài năm gần đây, tần suất triều cường tràn qua đê thường xuyên hơn, từ đó đất bị nhiễm mặn nhiều nên không thể canh tác rau màu được nữa.

       Ông Trương Văn Trại chia sẻ: “Biết hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, chính quyền địa phương đã nhiều lần hỗ trợ. Nhưng tôi nghĩ, phải có giải pháp để chấm dứt tình trạng nước dâng gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, chỉ có như vậy đời sống người dân mới được ổn định lâu dài”.

Chú thích ảnh

Khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, là nơi thường xuyên chịu cảnh triều cường dâng cao gây thiệt hại cho đời sống, sản xuất của người dân.

        Xuôi theo cánh rừng phòng hộ dọc tuyến đê biển Tây, đoạn từ Kênh Năm Rạch Chèo (thị trấn Cái Đôi Vàm) đến khóm 6B (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) giờ đã rất thưa thớt, cây rừng bị sóng đánh ngã, nằm la liệt… Một vài nơi, đai rừng đã đến tận thân đê, vốn chỉ là một nền đất đen mỏng manh.

        Gia đình ông Kim Sơn (ngụ thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân) được Nhà nước giao khoán 3 ha đất để nuôi ốc, giữ rừng… Chưa đầy 8 năm sau, diện tích đất rừng này đã mất đến 0,2 ha vì sạt lở. “Mùa mưa bão năm nay chưa thật sự bắt đầu nhưng tình hình sạt lở đã diễn biến phức tạp hơn so với những năm trước đây. Từ đầu năm đến nay, gia đình đã mất đi khoảng 1 công đất (tương đương 0,1 ha) vì sạt lở, khiến diện tích nuôi ốc bị thu hẹp dần, đời sống cũng khó khăn hơn”, ông Kim Sơn chia sẻ.

       Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau thông tin, chiều dài bờ biển của tỉnh khoảng 254 km, tốc độ sạt lở mỗi năm từ 30 – 40 m, cá biệt có những nơi lên đến 50 m/năm. Ước tính mỗi năm Cà Mau mất đi từ 300-400 ha rừng phòng hộ. Nhiều nơi đai rừng phòng hộ chỉ còn vài chục mét, thậm chí rất nhiều nơi không còn đai rừng phòng hộ, sóng biển uy hiếp trực tiếp lên thân đê, đe dọa đến đời sống của hơn chục ngàn hộ dân sinh sống ven biển và khoảng trên 120.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.

      Gió Tây Nam đang vào mùa thổi mạnh khiến nỗi ám ảnh về đợt triều cường lịch sử vào chiều 3/8/2019 lại hiện về với người dân nơi đây. Đợt triều cường lịch sử này không những gây sạt lở mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng ngọt hóa phía trong đê. Nghiêm trọng đến mức tỉnh Cà Mau đã phải ban bố tình trạng hộ đê khẩn cấp, cùng nhiều nỗ lực mới cứu đê khỏi bị vỡ…

Chông chênh gam màu “tối – sáng”

Chú thích ảnh

Hầu hết đời sống của người dân trong ven tuyến đê biển Tây, đoạn từ thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân đến Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời đều gặp nhiều khó khăn.

        Tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang là mối đe dọa, thách thức lớn đối với Cà Mau. Bởi, tỉnh không chỉ có điều kiện địa hình thấp mà còn là địa phương duy nhất chịu tác động của cả hai chế độ thủy triều…

       Ông Bùi Văn Đông, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều tỉnh Cà Mau đánh giá, trên toàn tuyến đê biển Tây, đoạn từ sông Đốc đến thị trấn Cái Đôi Vàm là thấp nhất. Theo quan sát, cao trình hiện chỉ còn 1,2 – 1,3 m, cá biệt có những nơi còn khoảng 1 m. Do đó, khi có triều cường, cuộc sống của người dân trong đê dễ bị ảnh hưởng. Theo quan trắc trong đợt triều cường vừa xảy ra ngày 25/2/2022, triều cường đã đạt đỉnh trên 1,3 m.

       Dọc theo bờ biển Tây dài khoảng 108 km, trải dài từ Kênh Năm Rạch Chèo đến khu vực cống Tiểu Dừa (Khánh Tiến, huyện U Minh), giáp ranh tỉnh Kiên Giang, có thể nhận thấy rõ ràng sự tương phản về đời sống dân sinh, hạ tầng cơ bản tại những khu vực đê biển đã được nâng cấp với khu vực chưa được đầu tư.

      Minh chứng rõ nét nhất là khu vực tuyến đê từ cống Tiểu Dừa về bờ Bắc thị trấn Sông Đốc giờ đã được đầu tư nâng cấp nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương. Suốt tuyến đê trên, đến nay lực lượng chức năng đã hoàn thành các hạng mục nâng cấp, thân đê cao trình đến 3 m, mặt đê có đường bê tông kiên cố, đảm bảo cho xe ô tô lưu thông dễ dàng… Chính điều này đã tạo nên sức bật lớn giúp các địa phương phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

       Ông Bùi Văn Đông đánh giá, thực tế đã chứng minh, ở nơi những đoạn đê đã được đầu tư, nâng cấp, đời sống người dân phía bên trong rất phát triển. Trong khi đó, đời sống của người dân ven những đoạn đê đất đen chưa được đầu tư, nâng cấp lại hoàn toàn trái ngược.

       Ông Nguyễn Văn Kha thông tin thêm, chỉ riêng tại khu vực khóm 5, trong số 40 hộ dân sinh sống dọc sau đê biển Tây có đến 11 hộ nghèo và cận nghèo. Do đó, mong mỏi lớn nhất của người dân nơi đây là tuyến đê biển được đầu tư, nâng cấp để cảnh triều cường gây ngập không còn tái diễn, đồng thời cần có các giải pháp, công trình bảo vệ đai rừng phòng hộ khỏi cảnh bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Chú thích ảnh

Sạt lở xoáy sâu vào thân đê tại địa phận khóm 6B, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.

        Đê biển Tây được đầu tư, nâng cấp theo Quyết định 667/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, hai đoạn đê đã được cứng hóa mặt đê bằng bê tông, cốt thép với chiều dài là 52 km. Còn lại hai đoạn đê đất đen chưa được đầu tư là từ Rạch Dinh về Khánh Hội khoảng 10 km và đoạn từ Sông Đốc về thị trấn Cái Đôi Vàm là khoảng 23 km.

        Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết, theo số liệu đo được trong những năm gần đây, triều cường cao trung bình từ 2,5 – 2,6 m, có thời điểm cao hơn. Trong khi ở những tuyến đê biển Tây chưa được nâng cấp, nơi cao nhất chỉ khoảng 1,6 m.

        “Qua tính toán, để hoàn thành việc nâng cấp đoạn đê từ thị trấn Cái Đôi Vàm đến Sông Đốc dài 23 km thì nhu cầu vốn theo giá vật tư hiện tại là gần 700 tỷ đồng; do đó, nguồn lực của địa phương không thể đáp ứng được nếu không có sự đầu tư, hỗ trợ từ Trung ương”, ông Tô Quốc Nam cho hay.

       Theo thống kê từ ngành chức năng tỉnh Cà Mau, 10 năm qua, chỉ có khoảng 20% hệ thống đê biển được nâng cấp. Với tiến độ như hiện nay, ít nhất khoảng 40 năm nữa Cà Mau mới hy vọng hoàn thành việc nâng cấp trên toàn tuyến đê biển./.

Nguồn: TTXVN

Trà Vinh Hôm Nay
Dạy học trên truyền hình
Chương trình tiếng khmer
Quảng cáo
Quảng cáo
Quảng cáo