clock
Đang Tải...

Tin Quốc Tế

Chuyên gia đánh giá về tính khả thi của ‘kế hoạch hòa bình’ do ông Trump đề xuất

play video08/11/2024 08:23

Trong bối cảnh hơn 2 tháng nữa sẽ đến Lễ nhậm chức Tổng thống, nhóm của ông Donald Trump dường như đã có những động thái đầu tiên hướng tới việc thực hiện lời hứa chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, theo nguồn tin của tờ Wall Street Journal (WSJ).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) gặp ông Donald Trump khi ông là tổng thống Mỹ tại một cuộc họp của Liên hợp quốc vào tháng 9/2019. Ảnh tư liệu: EPA

Tờ WSJ dẫn một số nguồn tin cho hay đội ngũ của ông Trump đang xem xét các phương án “đóng băng” cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, một nhà quan sát cho rằng dù ‘kế hoạch hòa bình’ do ông Trump đề xuất được cho là động thái tích cực đầu tiên, nhưng kế hoạch này sẽ cần phải điều chỉnh để được Nga chấp thuận.

Trích dẫn các nguồn tin đáng tin cậy, bao gồm các thành viên trong nhóm thân cận của ông Trump, tờ WSJ cho biết nhóm của ông Trump đã đề xuất “đóng băng” mặt trận Ukraine và thiết lập một khu phi quân sự dọc theo mặt trận này, buộc Kiev phải từ bỏ theo đuổi tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong ít nhất 20 năm, song vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho nước này.

“Chúng tôi có thể đào tạo và hỗ trợ khác nhưng nòng súng sẽ là của châu Âu. Chúng tôi sẽ không cử những người đàn ông và phụ nữ Mỹ đến để duy trì hòa bình ở Ukraine. Và chúng tôi không trả tiền cho việc đó. Hãy để người Ba Lan, người Đức, người Anh và người Pháp làm việc đó”, tờ WSJ dẫn lời một thành viên trong nhóm của ông Trump cho biết.

Điện Kremlin cho rằng thông tin này quá “trừu tượng” để có thể bình luận chi tiết.

Khi được hỏi liệu Moskva đã biết rõ thông tin này hay chưa, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời: “Mọi thứ trong bài báo này rất bâng quơ. Nội dung này giống như ‘kế hoạch của tờ Wall Street Journal cho Ukraine’. Những ấn phẩm này ngày càng trở nên trừu tượng hơn”.

Cố vấn truyền thông của Tổng thống Volodymyr Zelensky, ông Dmitry Litvin, nghi ngờ về độ tin cậy của thông tin trên tờ báo này. Ông nói rằng nhìn chung, các kế hoạch thực sự của tổng thống khó có thể được công bố trên báo chí.

Cơ hội trở thành hiện thực

Lô tên lửa Javelins do Mỹ viện trợ được chuyển tới sân bay ở Kiev, Ukraine ngày 11/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà phân tích chính trị và quân sự người Nga Sergey Poletaev nhận định với tình hình hiện tại, cơ hội để “kế hoạch hòa bình” được nêu trên tờ WSJ trở thành hiện thực là rất thấp.

“Nga sẽ không chấp thuận kế hoạch này ở tình hình hiện tại, bởi một trong những mục tiêu chính của Moskva – loại bỏ mối đe dọa quân sự xuất phát từ Ukraine – không được giải quyết, và ngược lại. Theo đó, kế hoạch này không phù hợp với chúng tôi trong tình hình này. Nhưng nó có thể là một số điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán”, ông Poletaev nói.

Ông giải thích đối với Nga, mối đe dọa quân sự đầu tiên xuất phát từ việc Ukraine gia nhập một khối quân sự lớn, tức NATO, và thúc đẩy cơ sở hạ tầng của NATO. Mối đe dọa thứ hai liên quan đến việc bơm vũ khí vào Ukraine. Ông Poletaev cho biết mục tiêu lý tưởng của Nga là “dân chủ hóa” Ukraine – tức là giải trừ quân bị.

Ông Poletaev cũng chỉ ra các điều khoản của dự thảo thỏa thuận Istanbul, từng bị NATO phá vỡ vào mùa xuân năm 2022, và đề xuất hòa bình bất ngờ của Nga vào tháng 6 năm ngoái – bao gồm các điểm về việc cắt giảm quy mô quân đội Ukraine.

Chuyên gia quân sự này nhấn mạnh bất kể thỏa thuận nào cuối cùng đạt được, việc thực hiện thỏa thuận đó trong dài hạn sẽ luôn phụ thuộc trước hết và quan trọng nhất vào sức mạnh quân sự, kinh tế và chính trị của Nga.

“Không có hiệp ước hòa bình nào là vĩnh viễn. Kết quả của các cuộc xung đột quân sự được bảo vệ bởi sức mạnh của bên chiến thắng. Theo đó, nếu trong 20 năm nữa, chúng ta ít nhất cũng mạnh như hiện tại, chúng ta sẽ đảm bảo rằng Ukraine không gia nhập NATO”, ông Poletaev nói. Ông đồng thời nhấn mạnh chính sự cân bằng quyền lực giữa các quốc gia và nhận thức của họ về các mối đe dọa, sẽ quyết định liệu các thỏa thuận đó có được tuân thủ hay không.

Bình luận về tương lai của cuộc xung đột Ukraine nói chung dưới thời Trump 2.0, ông Poletaev cho biết mặc dù đảng Cộng hòa có thể leo thang về mặt chiến thuật – lên đến việc chấp thuận Ukraine sử dụng các hệ thống tấn công tầm xa của NATO để tấn công Nga, bất kỳ hành động nào không phải là sự can thiệp trực tiếp của NATO (có khả năng gây ra chiến tranh hạt nhân) cuối cùng sẽ dẫn đến thất bại cuối cùng của Ukraine.

“Nếu ông Trump bắt đầu chiến đấu với Nga bằng chính đôi tay của nước Mỹ, điều này sẽ trái ngược với toàn bộ đường lối chính trị và những cam kết của ông ấy. Về mặt chiến lược, tôi không mong đợi bất kỳ sự leo thang nghiêm trọng nào từ Mỹ”, ông Poletaev nói.

Trong phân tích cuối cùng, nhà quan sát này tin rằng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ kết thúc khi việc tiếp tục chiến tranh trở nên tốn kém hơn đối với Ukraine, so với các điều kiện giải trừ vũ khí.

“Đối với ông Trump, vị tổng thống Mỹ không thể cung cấp cho Ukraine bất kỳ đảm bảo hòa bình nào. Chỉ có Nga mới có thể làm được điều này”, ông Poletaev kết luận./.

Theo Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik)

Ký sự cù lao
Miền ký ức
Hành trình văn hóa
Bắc sông hậu
Trà vinh hôm nay
Quảng cáo