Những phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và thực tế đã chứng minh Tổng Bí thư đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong cuộc đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm”.
Giữ cương vị Người đứng đầu của Đảng từ đầu nhiệm kỳ 11 đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Trung ương Đảng luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, trong đó đặt trọng tâm là công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
“Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, “Ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm”, những phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và thực tế đã chứng minh Tổng Bí thư đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong cuộc đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm”.
Tháng 2/2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo đã ra mắt.
Từ kết quả của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hơn 10 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh một trong những bài học có giá trị để củng cố thêm bản lĩnh và niềm tin của cả hệ thống chính trị. Đó là phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và phương pháp đúng, không thể chủ quan, nóng vội; không được né tránh, cầm chừng, thỏa mãn, đồng thời phải rất kiên trì, không nghỉ, không ngừng.
Qua mỗi cuộc họp, qua từng tháng, từng năm, Tổng Bí thư Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nung nấu từ trong tư tưởng chỉ đạo đến quyết tâm hành động để ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: VGP)
“Đây là công việc rất khó khăn. Phải được tổ chức rất chặt chẽ, phải tính toán đường đi nước bước như thế nào cho hợp lý và bài bản, nếu không thì sẽ thất bại. Vừa rồi chúng ta làm được điều đó. Cái đó liên quan đến bản lĩnh, tư duy, phương pháp làm việc của ê-kíp lãnh đạo vừa rồi và nổi bật là vai trò của Tổng Bí thư”, GS.TSKH. Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh.
“Tư tưởng chỉ đạo của đồng chí là gì? là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất cứ ai vi phạm tham nhũng, tiêu cực đều phải được đưa ra ánh sáng. Tinh thần đó làm cho công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta có hiệu quả”, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, nhìn nhận.
Những phát biểu như “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” hay “Không ngừng, không nghỉ, “Khó mấy cũng làm”…, những chỉ đạo của người đứng đầu Đảng đã được chuyển thành hành động và có kết quả trong thực tiễn.
Kết quả ấy gắn liền với vai trò của người đã “giương cao ngọn cờ” chống “giặc nội xâm” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Kết quả này, không chỉ được cán bộ đảng viên và nhân dân ta ghi nhận, mà được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI năm 2022 của Tổ chức minh bạch quốc tế đánh giá, đã tăng 46 bậc so với giai đoạn hơn 10 năm trước đó.
“Khi ông thực hiện một chiến dịch chống tham nhũng được gọi là “đốt lò”, thì bản thân ông phải mang giá trị của một thỏi vàng mười. Đây là điều không nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới có thể làm được”, TS. Tilottama Mukherjee, chuyên gia nghiên cứu Khoa học Chính trị, Đại học Syamaprasad, Ấn Độ, đánh giá.
“Chiến dịch chống tham nhũng của ông đã đạt được những thành quả đáng kể. Đặc biệt khi cả tầng lớp lãnh đạo cao cấp cũng có thể bị xử lý nếu sai phạm. Điều này được thể hiện rõ qua sự phát triển nhanh chóng và ổn định của Việt Nam, tăng trưởng của GDP, thu nhập của người dân”, GS. Vladimir N. Kolotov, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh, Đại học Tổng hợp St.Petersburg, Nga, nhận định.
Là người luôn trăn trở và đau đáu, mong muốn xây dựng hệ thống Đảng, Nhà nước phải thực sự trong sạch, vững mạnh. Qua mỗi cuộc họp, qua từng tháng, từng năm, Tổng Bí thư Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nung nấu từ trong tư tưởng chỉ đạo đến quyết tâm hành động để ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
“Tôi đã nói nhiều lần: không ngừng, không nghỉ, phải làm thật sự trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị của chúng ta, làm trong sạch đội ngũ của chúng ta. Đây là yếu tố quyết định tất cả mọi công việc khác để chúng ta bịt kín những lỗ hổng, chặn đứng những việc làm ti tiện, đớn hèn… Mong chúng ta thấm thía cho điều đó. Tôi đã nói: còn nói, ghét tôi cũng nói, bởi vì đây là sự nghiệp chung, mà chúng ta ở đây phải gương mẫu”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Đại hội Đảng lần thứ XIII vẫn chỉ rõ tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Do vậy, công việc này phải được tiến hành kiên quyết, kiên trì, bền bỉ và có cách làm khoa học, bài bản.
Không khoan nhượng, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn nhắc nhở rằng, mục đích lớn nhất của cuộc đấu tranh là để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân, chứ không phải cốt để kỷ luật nhiều người, khởi tố nhiều người. Quan điểm chỉ đạo ấy đã làm nên hiệu quả và sức thuyết phục của cuộc đấu tranh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại một “di sản niềm tin” trong cán bộ đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ./.
Nguồn: TTXVN