clock
Đang Tải...

Tin Quốc Tế

Iran đàm phán hạt nhân với Pháp, Anh, Đức trước khi ông Trump nhậm chức

play video02/01/2025 06:21

Ngày 13/1 tới đây, Iran sẽ tiến hành vòng đàm phán hạt nhân với ba quốc gia châu Âu là Pháp, Anh và Đức tại Geneva.

Một nhà máy điện hạt nhân ở miền Nam Iran. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc đàm phán này diễn ra chỉ một tuần trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức nhậm chức, trong bối cảnh căng thẳng leo thang về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Kazem Gharibabadi xác nhận rằng, cuộc gặp gỡ là cơ hội quan trọng để tìm kiếm một giải pháp hòa bình giữa các bên.

Iran tiếp tục khẳng định quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc về việc phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu đã nhiều lần chỉ trích Tehran vì tăng cường kho dự trữ urani làm giàu ở mức cao, đạt ngưỡng 60% – mức gần đạt cấp độ vũ khí. Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Rafael Grossi cảnh báo rằng, Iran đang “đẩy nhanh” quá trình làm giàu urani, làm dấy lên lo ngại về khả năng gia tăng căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Mối quan hệ giữa Iran và châu Âu trở nên đặc biệt căng thẳng, sau khi IAEA thông qua một nghị quyết chỉ trích Tehran vì thiếu hợp tác trong giám sát các hoạt động hạt nhân. Đáp lại, Iran thông báo sẽ lắp đặt thêm máy ly tâm tại các cơ sở làm giàu urani, tăng tốc sản xuất và phớt lờ các yêu cầu từ cơ quan giám sát quốc tế.

Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các quốc gia P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) từng được xem là một bước đột phá ngoại giao quan trọng. Tuy nhiên vào năm 2018, chính quyền ông Donald Trump đã quyết định rút khỏi thỏa thuận và áp đặt lại các lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với Iran. Động thái này đã dẫn đến việc Tehran không tuân thủ các giới hạn trong hiệp ước, bao gồm việc gia tăng kho dự trữ urani và sử dụng công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh quá trình làm giàu urani.

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, các nỗ lực đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân đã được tiến hành nhưng không mang lại kết quả. Trong khi đó, trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump cam kết sẽ thúc đẩy một thỏa thuận mới để ngăn chặn các nguy cơ liên quan đến hạt nhân.

Cuộc đàm phán ngày 13/1 được kỳ vọng sẽ mở ra bước đột phá mới, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Pháp, Anh và Đức yêu cầu Iran giảm đáng kể trữ lượng urani làm giàu cao và tăng cường hợp tác toàn diện với IAEA.

Trong khi đó, Tehran kiên định lập trường, tuyên bố không chấp nhận bất kỳ áp lực nào từ bên ngoài. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi khẳng định rằng đối thoại và hợp tác là con đường duy nhất để đạt được giải pháp, đồng thời kêu gọi các bên tôn trọng quyền chính đáng của Iran trong việc phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Với sự chuyển giao chính trị sắp tới tại Mỹ, cuộc đàm phán này không chỉ đóng vai trò giải quyết những căng thẳng hiện tại mà còn định hình lại chiến lược quốc tế về vấn đề hạt nhân trong tương lai. Sự tham gia của ông Donald Trump với lập trường cứng rắn đối với Iran, có thể đưa tình hình bước vào một giai đoạn mới, tiềm ẩn nhiều biến động và thách thức lớn hơn.

Iran đang nỗ lực đàm phán nhằm giảm áp lực từ cộng đồng quốc tế, trong khi các nước láng giềng trong khu vực, đặc biệt là Israel và các quốc gia Vùng Vịnh, vẫn theo dõi sát sao diễn biến này. Israel là quốc gia phản đối mạnh mẽ chương trình hạt nhân của Iran, đã cảnh báo rằng họ sẵn sàng tiến hành hành động quân sự nếu Tehran không giảm tốc độ làm giàu urani.

Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa các lợi ích xung đột và ngăn chặn nguy cơ leo thang khủng hoảng hạt nhân. Hai quốc gia này, với tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và trên trường quốc tế, có thể góp phần tạo ra sự cân bằng cần thiết để duy trì ổn định.

Kết quả của cuộc đàm phán này, dù là thành công hay thất bại, sẽ không chỉ tác động đến an ninh khu vực Trung Đông mà còn định hình mối quan hệ giữa các cường quốc trong tương lai. Khi cả thế giới đang dõi theo với kỳ vọng cao, các bên tham gia đàm phán đối mặt với áp lực to lớn để đạt được một thỏa thuận toàn diện nhằm đảm bảo hòa bình và ngăn chặn những hậu quả khó lường có thể đẩy khu vực vào tình trạng bất ổn kéo dài./.

Theo Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo aljazeera.com/timesofisrael.com/iranintl.com)

Ký sự cù lao
Miền ký ức
Hành trình văn hóa
Bắc sông hậu
Trà vinh hôm nay
Quảng cáo