Ngày 1/12, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã chính thức lên tiếng về việc trả lại số vũ khí hạt nhân mà Ukraine đã từ bỏ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trên của ông Sullivan đưa ra sau khi được hỏi về những đồn đoán liên quan việc một số quan chức phương Tây gợi ý rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể cung cấp vũ khí cho Ukraine trước khi ông rời nhiệm sở.
Theo đó, ông Sulivan nói: “Điều đó không được cân nhắc, không. Những gì chúng tôi đang làm là tăng cường năng lực thông thường cho Ukraine để họ có thể tự vệ hiệu quả và chiến đấu với phía Nga, chứ không phải về năng lực hạt nhân”.
Kiev thừa hưởng một phần kho vũ khí hạt nhân từ Liên Xô sau khi quốc gia này sụp đổ vào năm 1991. Tuy nhiên, Kiev cũng đã từ bỏ vũ khí hạt nhân theo thỏa thuận tại bản ghi nhớ Budapest năm 1994 để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ Nga, Mỹ và Anh.
Trước đó, tờ New York Times đưa tin về việc một số quan chức Mỹ và châu Âu được cho là đang đề xuất trả lại vũ khí hạt nhân cho Ukraine.
Đáp lại thông tin trên, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết việc chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Kiev có thể được coi là một hành động tấn công vào Nga và hậu quả nhận lại sẽ rất rõ ràng. Ngoài ra, theo nội dung bài viết trên Telegram của một quan chức Nga, mối đe dọa chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Kiev có thể được coi là sự chuẩn bị cho một cuộc xung đột hạt nhân với Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các cuộc thảo luận về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân ở Ukraine là vô trách nhiệm và điều này được phát biểu bởi những người ‘thiếu hiểu biết’ về tình hình thực tế.
Liên quan đến vấn đề hạt nhân, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tuyên bố Moskva đang cân nhắc việc nối lại các vụ thử hạt nhân trong bối cảnh Mỹ đang theo đuổi các chính sách leo thang. Tuyên bố trên được đưa ra trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn TASS, khi ông được hỏi liệu Moskva có thể nối lại các vụ thử hạt nhân để đáp trả các chính sách leo thang của Mỹ hay không.
Hồi tháng 2, trả lời hãng TASS, ông Vladimir Yermakov, Giám đốc Cục Kiểm soát vũ khí và Không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga nhận định một số dấu hiệu gián tiếp cho thấy có khả năng Washington sẽ nối lại các vụ thử hạt nhân quy mô lớn. Vào thời điểm đó, giới lãnh đạo Nga cảnh báo nếu Mỹ đi theo con đường này, Moskva sẽ buộc phải đáp trả tương xứng./.
Theo Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Reuters, TASS)