clock
Đang Tải...

Sự Kiện Trong Tuần

Sáng kiến 'đột phá' tại G20 hướng tới thế giới công bằng và bền vững

play video21/11/2024 08:49

Trong hai ngày 18 – 19/11, các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhóm họp tại thành phố Rio de Janeiro của Braxin để thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng. Với chủ đề “Xây dựng thế giới công bằng và hành tinh bền vững”, Hội nghị đã chứng kiến một số cam kết và sáng kiến đột phá nhằm hướng tới một thế giới công bằng và bền vững hơn, như Liên minh Toàn cầu chống đói nghèo và cam kết về thuế đối với người siêu giàu.

Trẻ em tại trại tị nạn ở Khan Younis, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Thành lập Liên minh Toàn cầu chống đói nghèo

Một trong những sáng kiến đáng chú ý nhất tại hội nghị G20 năm nay là việc ra mắt Liên minh toàn cầu chống đói nghèo. Sáng kiến này được Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva công bố nhằm mục tiêu quy tụ các quốc gia phát triển, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức tài chính để huy động tài chính và chuyên môn hỗ trợ các quốc gia đang gặp khó khăn. Ông Lula nhấn mạnh rằng, xóa đói giảm nghèo không chỉ bảo đảm công bằng xã hội mà chính là điều kiện cốt lõi để xây dựng xã hội thịnh vượng và thế giới hòa bình.

Ngay khi ra mắt, Liên minh này đã nhận được chữ ký ủng hộ của 81 quốc gia, bao gồm 18 trong số 19 quốc gia trong G20. Liên minh cũng nhận được sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế như Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) – cả hai đều là thành viên G20 – cũng như các tổ chức tài chính và tổ chức phi chính phủ, nâng tổng số bên ký kết lên tới 147. Theo kế hoạch, Liên minh này sẽ giúp xóa đói nghèo cho tất cả các quốc gia trong bản đồ đói nghèo của FAO vào năm 2030. Các sáng kiến chính của Liên minh bao gồm mở rộng các chương trình chuyển tiền mặt để hỗ trợ 500 triệu người, cung cấp bữa ăn cho 150 triệu trẻ em tại các trường học, và hỗ trợ 200 triệu trẻ em dưới 6 tuổi và phụ nữ mang thai thông qua các chương trình y tế.

Đề cập đến sáng kiến trên, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto cho hay, với dân số đông thứ tư trên thế giới, Indonesia luôn phải đối mặt với vấn đề đói nghèo trong những năm qua. Chính phủ Indonesia coi vấn đề chống đói nghèo là mục tiêu quốc gia quan trọng cần thực hiện trong thời gian tới. Chính phủ đã đầu tư lớn cho giáo dục và coi đây là biện pháp quan trọng để giải quyết tận gốc vấn đề đói nghèo. Chương trình bữa ăn miễn phí cho học sinh cũng là một phần trong chiến lược nhằm đảm bảo thế hệ trẻ được hưởng lợi từ giáo dục. Cũng theo ông Prabowo, Indonesia đã xây dựng kế hoạch để đạt được an ninh lương thực và năng lượng, trong đó sẽ không còn tình trạng người dân bị đói trong vòng 3 năm tới. Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu tự cung cấp năng lượng trong 4 năm và trong 5 năm nữa, chúng tôi tự tin rằng mình có thể đóng góp cho Liên minh toàn cầu chống đói nghèo”.

Phiên thảo luận “Phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng”. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Một số cam kết đột phá khác

Một kết quả nổi bật của hội nghị G20 lần này là cam kết hợp tác để đảm bảo rằng những người siêu giàu, đặc biệt là các tỷ phú, sẽ bị đánh thuế công bằng hơn. Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 khẳng định sẽ xây dựng các cơ chế chống “lách thuế” hiệu quả và thúc đẩy việc thu thuế đối với những người có tài sản lớn. Đây là một động thái quan trọng, phản ánh xu hướng toàn cầu nhằm giảm bất bình đẳng và tái phân phối tài nguyên. Tổng thống nước chủ nhà Brazil Luiz Inacio Lula da Silva – người đã đưa vấn đề này lên ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của G20, cho biết sự bất bình đẳng tài chính hiện nay không phải là kết quả của thiếu thốn, mà là do những quyết định chính trị không công bằng. Tuyên bố này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các tổ chức chống đói nghèo như Oxfam, mặc dù cũng có sự phản đối từ một số lãnh đạo như Tổng thống Argentina Javier Milei, người phản đối các chính sách can thiệp quá mức.

Vấn đề biến đổi khí hậu cũng là một điểm nóng tại hội nghị G20 lần này, dù các nhà lãnh đạo chưa thể đưa ra cam kết rõ ràng về tài trợ cho các quốc gia đang phát triển nhằm tăng khả năng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Tuyên bố chung của G20 ghi nhận nguồn tài chính cần thiết sẽ đến từ “tất cả các nguồn lực” nhưng không nêu rõ cách thức phân bổ nguồn tiền. Trong khi đó, các cuộc đàm phán tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) ở Azerbaijan về tài trợ khí hậu vẫn đang bế tắc, do bất đồng giữa các quốc gia phát triển và các nền kinh tế mới nổi về nguồn đóng góp tài chính và mức độ đóng góp. Ngoài tài chính khí hậu, G20 cũng kêu gọi giảm dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả, song không đề cập đến việc chấm dứt hoàn toàn sử dụng loại nhiên liệu này.

Một chủ đề quan trọng khác tại hội nghị là cải cách hệ thống quản trị toàn cầu. Các nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc cần thiết phải cải cách các tổ chức quốc tế để chúng có thể hoạt động hiệu quả hơn trong bối cảnh hiện nay. Việc này bao gồm việc tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức, đồng thời đảm bảo rằng tiếng nói của các nước đang phát triển được lắng nghe.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham gia vào phiên thảo luận “Cải cách các thể chế quản trị toàn cầu”, nhấn mạnh rằng Việt Nam là một trong những nước đang phát triển tiên phong ủng hộ Lời kêu gọi, góp phần thúc đẩy cải cách các cơ chế quản trị toàn cầu bình đẳng và hiệu quả hơn.

Về phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng, Hội nghị khẳng định cần tăng cường nguồn tài chính cho chuyển dịch năng lượng toàn cầu, nhấn mạnh tính cấp bách phải đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho công nghệ và hạ tầng, tăng cường hợp tác công tư để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Đặc biệt, Brazil đã đề xuất thành lập một nhóm công tác toàn cầu chống biến đổi khí hậu, nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các chính phủ, tổ chức tài chính và các tổ chức quốc tế để tăng cường sự phối hợp trong việc thực hiện các mục tiêu của Hiệp định Paris. Phát biểu tại phiên thảo luận về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ 3 đề xuất góp phần đưa tiến trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững trở lại đường ray, tăng tốc và về đích đúng hạn.

Dù đạt được nhiều quyết sách quan trọng, hội nghị cũng đối mặt với không ít thách thức. Sự khác biệt quan điểm giữa các thành viên về vấn đề địa chính trị, thương mại và cách tiếp cận giải quyết biến đổi khí hậu vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gia tăng quyết liệt thời gian gần đây, việc Hội nghị G20 năm 2024 tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng cho thấy nhu cầu của các nước trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế cùng phối hợp giải quyết các thách thức chung.

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024 đã thành công tốt đẹp, khép lại nhiệm kỳ Chủ tịch của Brazil với điểm nhấn nổi bật là thúc đẩy nghị sự của G20 tiếp tục tập trung vào các nội dung là quan tâm chung của các nước Nam bán cầu hiện nay. Nước Chủ nhà Brazil đã thúc đẩy thông qua nhiều sáng kiến quan trọng về xóa đói giảm nghèo, quản trị toàn cầu, các nguyên tắc thúc đẩy phát triển bền vững, quy hoạch năng lượng, đa dạng sinh học… Sự tham gia và đóng góp trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị được các nước G20 và khách mời đánh giá cao, thể hiện tầm vóc, vai trò, uy tín và vị thế quốc tế ngày càng gia tăng của Việt Nam trong giải quyết các thách thức toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị G20 và có bài phát biểu quan trọng, đề xuất 3 bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa đói nghèo trên toàn cầu: Thứ nhất là bảo đảm hoà bình, ổn định, hợp tác phát triển là điều kiện tiên quyết để xóa đói nghèo và phát triển bao trùm. Thứ hai là bảo đảm hệ thống nông – lương toàn cầu hiệu quả, ổn định, thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu là nền tảng lâu dài. Thứ ba là bảo đảm đầu tư cho con người, lấy giáo dục đào tạo, an sinh xã hội là nhiệm vụ then chốt cho xây dựng xã hội hài hòa bao trùm, bền vững. Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và là nguồn lực cho phát triển bền vững; ưu tiên nguồn lực, xây dựng các chính sách thiết thực, khả thi, hiệu quả cho xoá đói, giảm nghèo, “không để ai bị bỏ lại phía sau”./.

Theo Công Thuận/Báo Tin tức (Tổng hợp)

 

Ký sự cù lao
Miền ký ức
Hành trình văn hóa
Bắc sông hậu
Trà vinh hôm nay
Quảng cáo