Động thái trên diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đứng giữa “ngã ba đường”, với các cuộc đối đầu và tranh chấp giữa các nước ngày càng tồi tệ hơn do tác động của sự cạnh tranh cường quốc, xung đột khu vực và nền kinh tế toàn cầu bất ổn.
Một cuộc họp cấp cao của SCO. Ảnh: SCO (eng.sectsco.org)
Belarus dự kiến sẽ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) với tư cách là thành viên chính thức thứ 10 tại Hội nghị thượng đỉnh SCO, được tổ chức tại Astana, Kazakhstan, từ ngày 3 – 4/7.
Theo Sun Zhuangzhi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, gia tăng số lượng thành viên của SCO phản ánh sự hấp dẫn của SCO về mặt giá trị và triển vọng phát triển. Gia tăng số lượng thành viên cũng sẽ cho phép SCO đóng vai trò tích cực hơn trong các vấn đề quốc tế trong bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Chuyên gia Zhuangzhi cho rằng, cộng đồng quốc tế đang đứng giữa “ngã ba đường” với các cuộc đối đầu và tranh chấp giữa các nước ngày càng tồi tệ hơn do tác động của sự cạnh tranh cường quốc, xung đột khu vực và nền kinh tế toàn cầu bất ổn, cũng như các yếu tố cản trở sự trỗi dậy của các nước đang phát triển và thị trường mới nổi. Một ví dụ điển hình về các cuộc đối đầu và tranh chấp như vậy là một loạt các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với Nga kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, nhằm duy trì quyền bá chủ toàn cầu của mình.
Trong hoàn cảnh như vậy, sự phát triển của các tổ chức quốc tế và cơ chế đa phương, bao gồm cả Liên hợp quốc, đang phải đối mặt với những khó khăn mới. Triết lý, quy tắc và mục tiêu là điều cốt yếu để thiết lập hợp tác đa phương và xác định xem một cơ chế có thể giúp duy trì sự ổn định của khu vực và toàn cầu và thúc đẩy phát triển hay không. Trước bối cảnh đó, các thành viên SCO đã đưa vào thực hành các khái niệm mới về hợp tác, phát triển, an ninh, văn minh và quản trị toàn cầu, cũng như nỗ lực xây dựng một mô hình hợp tác khu vực mới.
Tuy nhiên, những thay đổi trong môi trường bên ngoài và gia tăng số lượng thành viên của SCO đã tạo ra những vấn đề như hiệu quả ra quyết định của SCO giảm sút, mâu thuẫn nội bộ gia tăng. Vì vậy, tại hội nghị thượng đỉnh ở Astana lần này, các nhà lãnh đạo SCO sẽ thảo luận về cách đạt được sự đồng thuận về hợp tác, để tạo động lực mới cho sự phát triển của SCO và giải quyết các mâu thuẫn nội bộ.
SCO đại diện cho quan hệ đối tác, không phải là liên minh, bác bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh, duy trì sự bình đẳng giữa tất cả các quốc gia và xây dựng một mạng lưới quan hệ đối tác rộng lớn. SCO có khả năng tính đến tình hình khu vực và điều kiện quốc gia, cũng như dung hòa sự khác biệt về hệ thống chính trị, sức mạnh kinh tế và truyền thống văn hóa giữa các quốc gia thành viên SCO, cũng như các quốc gia quan sát viên và các đối tác đối thoại.
Chuyên gia Zhuangzhi kết luận, hội nghị thượng đỉnh của SCO ở Astana dự kiến sẽ nhấn mạnh đến nhu cầu xây dựng một cộng đồng có tương lai chung cho các quốc gia thành viên của tổ chức này, những quốc gia có mối quan hệ lịch sử và truyền thống tốt đẹp. Các thành viên SCO sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của khu vực và toàn cầu, thúc đẩy hợp tác đa phương và bảo vệ lợi ích chiến lược chung để bảo vệ tốt hơn an ninh quốc gia của từng nước. Trên thực tế, bằng cách cùng nhau hợp tác vì lợi ích chung, các thành viên SCO có thể đóng góp lớn hơn cho sự thịnh vượng kinh tế và văn hóa của khu vực và giúp cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu bằng cách làm cho nó công bằng và bình đẳng hơn./.
Nguồn: Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo chinadaily.com.cn)